Chào mọi người, lại là mình HiTech đây! Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ những khó khăn mà bạn có thể gặp phải khi quyết định theo đuổi ngành Công nghệ Thông tin (IT).
Hiện tại, mình là sinh viên năm cuối ngành IT. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, nhưng những điều mình sắp nói đến đều là những gì mình đã trải qua trong quá trình học tập và làm việc tại các công ty IT.
Mình hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những áp lực khi theo đuổi ngành này, đặc biệt là với những bạn học sinh đang có ý định thi vào các trường IT. Cùng bắt đầu nhé!
1. Quá nhiều sự lựa chọn
Có thể bạn sẽ thắc mắc tại sao lại là “quá nhiều sự lựa chọn”? Thực tế, CNTT là một lĩnh vực rất rộng, bao gồm nhiều mảng nhỏ khác nhau.

Mình tin rằng phần lớn các bạn, ngay cả khi đã đỗ vào đại học, vẫn chưa có định hướng rõ ràng về việc sẽ theo đuổi mảng nào trong ngành IT.
Trước đây, mình đã viết một bài chia sẻ về các lĩnh vực nhỏ trong ngành CNTT. Nếu bạn quan tâm, có thể tham khảo bài viết đó tại đây nhé!
Giải pháp là gì?
Mình khuyên các bạn nên dành thời gian tìm hiểu trước, sau đó nếu thấy hứng thú thì cứ học rộng để có cái nhìn tổng quan. Tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định (khoảng cuối năm 2 – đầu năm 3), hãy lựa chọn một lĩnh vực mà bạn thực sự yêu thích và tập trung đào sâu vào nó.
2. Kiến thức luôn phải cập nhật
Không phải mình muốn làm các bạn hoang mang đâu, nhưng thực tế là công nghệ trên thế giới thay đổi từng tuần, thậm chí từng giờ.

Có thể khi bạn còn đang chật vật với một công nghệ nào đó, thì ở đâu đó người ta đã phát triển ra một công nghệ mới “xịn sò” hơn rồi.
Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải bỏ cái cũ để chạy theo cái mới liên tục. Chúng ta cần học có chọn lọc, bởi thường thì những công nghệ phổ biến sẽ có vòng đời đủ dài để bạn học, áp dụng vào thực tế và cải thiện sản phẩm.
Điều quan trọng là bạn nên theo dõi các bản cập nhật của công nghệ mà mình đang sử dụng. Ví dụ, nếu bạn lập trình bằng Java, có thể bạn chưa biết rằng Java SE 15 đã ra mắt vào tháng 9/2020, nhưng nhiều người vẫn dùng Java 8 từ năm 2014. Đơn giản vì Java 8 đã cung cấp đầy đủ tính năng cần thiết, còn các phiên bản sau chủ yếu cải thiện hiệu năng và phục vụ những nhu cầu đặc biệt.
Tóm lại, việc cập nhật kiến thức công nghệ là điều không thể tránh khỏi khi theo học ngành IT. Nhưng hãy học một cách có chọn lọc và sử dụng công nghệ phù hợp với nhu cầu thực tế nhé!
3. Tiếp xúc nhiều với máy tính
Nhiều bạn có thể nghĩ rằng việc dành nhiều thời gian trước màn hình máy tính chẳng có gì to tát, thậm chí còn so sánh với những người chơi game hàng giờ liền.

Đúng, điều này hoàn toàn chính xác, nhưng trước khi so sánh với việc chơi game, hãy nhìn vào thực tế rằng học IT, dù ở lĩnh vực nào, cũng yêu cầu bạn dành rất nhiều thời gian trước máy tính—dù là lập trình hay thực hiện các công việc liên quan khác.
Hệ quả đầu tiên là đôi mắt bạn phải hoạt động liên tục, về lâu dài có thể dẫn đến các vấn đề như cận thị (đặc biệt khi sử dụng máy tính trong điều kiện thiếu sáng) hoặc đơn giản là tình trạng mỏi mắt, nhức đầu.
Thứ hai, khi dành quá nhiều thời gian trước màn hình, bạn sẽ ít có cơ hội cho các hoạt động khác như thể thao, giao lưu, yêu đương hay phát triển kỹ năng mềm.
Đây chính là hệ lụy lớn nhất khi tiếp xúc quá nhiều với máy tính: nó khiến không gian sống của bạn thu hẹp lại, làm giảm sự đa dạng trong sở thích và hạn chế thế giới quan của bạn.
Vì vậy, hãy cố gắng cân bằng giữa học tập, làm việc và giải trí để vừa đảm bảo hiệu suất công việc, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cũng như duy trì các mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống.
4. Gặp các vấn đề khó
Đến đây chắc hẳn nhiều anh em dev sẽ gật gù đồng tình: “Chuẩn luôn!”. Bởi lẽ, học IT mà không gặp vấn đề khó, không đối mặt với bug thì chẳng khác nào một tấm chiếu chưa từng trải.

Gặp nhiều vấn đề khó mà không tìm ra cách giải quyết sẽ dễ khiến bạn nản lòng và cảm thấy học Công nghệ Thông tin thật khó. Đây là tình trạng chung mà hầu như ai cũng từng trải qua.
Cách duy nhất để vượt qua là kiên trì rèn luyện. Hãy tưởng tượng rằng số lượng vấn đề khó mà bạn giải quyết được sẽ tỷ lệ thuận với kinh nghiệm của bạn. Càng cố gắng vượt qua, bạn sẽ càng trưởng thành và giỏi hơn!
5. Ngày càng có nhiều người học
Đây là một sự thật phũ phàng mà bạn cần nhận ra sớm để chuẩn bị tinh thần bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành này.

Nhiều người cho rằng học IT xong chắc chắn sẽ có việc làm. Nhưng thực tế không phải vậy, việc làm thì có nhưng không phải ai cũng tìm được một công việc tốt ngay sau khi ra trường.
Nếu bạn không có đủ kỹ năng và kiến thức thực tế, sẽ rất khó để được tuyển dụng, vì không nhà tuyển dụng nào muốn trả lương cho một người không thể đáp ứng yêu cầu công việc. Nếu không tự trau dồi và nâng cao chuyên môn, bạn có thể sẽ chỉ là một sinh viên tốt nghiệp mà không có lợi thế gì so với hàng nghìn ứng viên khác.
Số lượng người học IT ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc sự cạnh tranh cũng trở nên gay gắt hơn. Nếu không nhận thức được điều này từ sớm, bạn sẽ dễ bị bỏ lại phía sau.
Vì thế, hãy không ngừng học hỏi và rèn luyện kỹ năng để tạo lợi thế cho bản thân trên con đường sự nghiệp.
6. Đôi khi cần phải đánh đổi
Mình nói “đôi khi” vì không phải ai cũng rơi vào tình huống này hoặc sẵn sàng chấp nhận sự đánh đổi.
Trước hết, vấn đề sức khỏe là điều đáng lo ngại. Mình đã từng thức đến 3-4 giờ sáng để học và ôn thi, khiến cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, suy nhược, thậm chí gầy gò, thiếu sức sống.
Tiếp theo là các mối quan hệ. Khi dành phần lớn thời gian cho công việc và học tập, bạn sẽ có ít thời gian hơn cho gia đình, bạn bè. Điều này đôi khi khiến bạn cảm thấy cô đơn, trầm cảm và dần thu mình vào thế giới riêng bên chiếc máy tính.
Ngoài ra, còn rất nhiều hệ lụy khác. Để tránh rơi vào tình trạng phải đánh đổi quá nhiều, điều quan trọng là bạn cần biết cách cân bằng giữa công việc, học tập và cuộc sống.
Điều này không hề dễ dàng nhưng cũng không phải là bất khả thi. Nếu bạn có kế hoạch rõ ràng và kiên trì thực hiện, dần dần bạn sẽ hình thành những thói quen tốt, giúp mọi thứ trở nên hài hòa hơn.
7. Kết luận
Trên đây là những khó khăn mà hầu hết những ai theo học ngành IT đều sẽ gặp phải.
Những điều mình chia sẻ có thể chưa bao quát hết mọi thử thách, nhưng đây là những vấn đề rõ ràng và phổ biến nhất mà bạn cần chuẩn bị tinh thần để đối mặt khi quyết định theo đuổi ngành này.
Mình hy vọng các bạn sẽ vượt qua mọi khó khăn và trở thành những kỹ sư công nghệ thông tin giỏi trong tương lai. Hẹn gặp lại trong bài viết tiếp theo nhé!